Lịch sử Binh_chủng_Hải_quân_Đánh_bộ,_Quân_đội_nhân_dân_Việt_Nam

Buổi đầu thành lập

Ngày 20/9/1965, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 được thành lập rồi được tung vào các mặt trận từ bắc Quảng Trị đến mặt trận Thừa Thiên, Tây Nguyên đến cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đoàn 126 Đặc công Hải quân hay Đặc công nước thành lập ngày 13/4/1966, được tung vào chiến trường bắc Quảng Trị trong thời kỳ chiến trường này đặc biệt nóng bỏng. Một trong những người khai sinh ra đơn vị này là Thiếu tướng Mai Năng.

Tháng 4 năm 1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh đang được tiến hành gấp rút nhằm chuẩn bị giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì 1 cánh quân khác đang tiến ra biển, thực hiện Chiến dịch giải phóng Trường Sa, đó chính là đoàn Đặc công Hải quân 126 do Thiếu tướng Mai Năng chỉ huy gồm 107 sĩ quan, chiến sĩ tham gia. Chiến dịch đã giải phóng thành công nhiều hòn đảo ở Trường Sa đang nằm trong tay quân Việt Nam Cộng hòa.

Vào nửa sau thập niên 1970, tức sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, binh chủng hải quân đánh bộ (hay còn gọi là thủy quân lục chiến), Quân chủng Hải quân đã được thành lập nhằm bảo vệ các đảo do chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đóng giữ tại Quần đảo Trường Sa. Hai đơn vị đầu tiên của binh chủng là Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101 - tiền thân là Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 và Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 - tiền thân là đoàn đặc công hải quân 126. Đây là một lực lượng đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, bất ngờ. Được rèn luyện kĩ càng, trang bị hiện đại để trở thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân Nhân dân Việt Nam tương tự như binh chủng Đặc công của Lục quân.

Ngày 5/7/1978, một đơn vị hải quân đánh bộ khác được thành lập mang tên Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 (mật danh là Đoàn M47). Như vậy, đến thời điểm cuối năm 1978, Binh chủng hải quân đánh bộ bao gồm 3 lữ đoàn 101, 126 và 147.

Chiến tranh biên giới Tây Nam

Những người lính Hải quân lục chiến cũng góp phần không nhỏ vào sự thành công của Chiến dịch phản công biên giới Tây Nam,trong hình là những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đang tiến vào thủ đô Phnom Penh của Campuchia năm 1979.

Ngay sau khi thành lập, lực lượng hải quân đánh bộ Việt Nam đã bắt đầu tham chiến. Cuối năm 1978, lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 và lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 đã tham gia Chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam Việt Nam nhằm chống lại lực lượng Khmer Đỏ đang quấy phá biên giới và có âm mưu tấn công Việt Nam.

Trong hai ngày 4, 5 tháng 1 năm 1979, từ Đảo Phú Quốc, hai phân đội Hải quân Việt Nam gồm một số tàu tuần tiễu loại lớn của Mỹ, hai Tàu khu trục Petya của Liên Xô, cùng nhiều tàu chiến nhỏ chuẩn bị chuyển Lữ đoàn Hải quân 101 và 126 đổ bộ. Hải quân cũng lập trận địa pháo 130mm ở mũi đảo Phú Quốc để yểm trợ cho lực lượng đổ bộ.

Sẩm tối ngày 6 tháng 1, toán quân đặc công gồm 87 người bí mật đổ bộ và tấn công chiếm một trận địa pháo Khmer Đỏ bảo vệ bờ biển, cùng lúc, pháo 130mm bắt đầu bắn phá các vị trí quân Khmer Đỏ. Lập tức các thuyền tuần tiễu loại nhỏ của Khmer Đỏ xuất kích từ quân cảng Ream và các bến cảng nhỏ tấn công vào Hải quân Việt Nam. Sau một trận giao chiến trên biển, do có ưu thế về số lượng và hỏa lực, Hải quân Nhân dân Việt Nam đẩy lùi hoặc đánh chìm hầu hết các tàu Khmer Đỏ, nhưng cũng có một tàu của Việt Nam cũng bị trúng đạn, khiến nhiều thủy thủ bị thương vong[1]. Số tàu phóng lôi Khmer Đỏ chạy thoát khỏi cuộc hải chiến và các cuộc không kích của Không quân Nhân dân Việt Nam, đến ngày 16 tháng 1 lại bị Hải quân Việt Nam chặn đánh trong vịnh Thái Lan và bị tiêu diệt gần hết.

Tối ngày 7 tháng 1, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 tiến hành đổ bộ ở chân núi Bokor, nằm ở khoảng giữa thị xã Kampot và cảng Sihanoukville. Lữ đoàn đổ bộ được toàn bộ 3 tiểu đoàn và số xe lội nước, xe bọc thép, nhưng do thủy triều lên cao, không có đủ chỗ triển khai đội hình, nên không đổ bộ được số xe tải, và đến tối, 3 tiểu đoàn nữa theo dự định cũng sẽ đổ bộ lại phải rút ra ngoài.

Theo kế hoạch, lực lượng Hải quân đánh bộ phải triển khai một lực lượng lớn, theo vùng ven biển đánh chiếm cùng lúc hai cây cầu quan trọng và giao điểm Veal Renh dẫn về bán đảo Kampong Som. Tuy nhiên, một chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ do nóng vội, đã tập hợp tiểu đoàn của mình, chở trên 12 xe tăng và xe bọc thép tiến về Sihanoukville trước khi trời sáng. Đơn vị này bị một lực lượng lớn Khmer Đỏ vây đánh từ chiều, qua đêm đến suốt ngày hôm sau và cuối cùng bị tiêu diệt gần như hoàn toàn. Đến đêm ngày 7 tháng 1, Hải quân mới đổ bộ thêm được 3 tiểu đoàn của Lữ đoàn 126 và 2 tiểu đoàn của Lữ đoàn 101 lên bãi biển, nhưng số xe tải phải đến ngày 8 tháng 1 mới lên bờ được.

Sư đoàn 304 vốn được dùng làm dự bị để tham gia đánh về Phnom Penh, nhưng do Quân đoàn 3 và 4 đã đánh được Phnom Penh từ ngày 7 tháng 1, nên tướng An dùng sư đoàn này để nhanh chóng giải cứu lực lượng lính thủy đánh bộ và đánh chiếm thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia. Dẫn đầu bởi một đơn vị xe M-113, Trung đoàn 66 của sư đoàn, kế tiếp là Trung đoàn 9 hành quân suốt đêm ngày 9.

Ngày 9 tháng 1, Trung đoàn 66 sau khi gặp lực lượng Hải quân đánh bộ, chuẩn bị giao chiến: không lặp lại sai lầm của Hải quân, Trung đoàn 66 tổ chức chiếm cao điểm xung quanh thành phố trước khi phối hợp với hải quân đánh bộ đánh vào thành phố. Sau khi đánh tan được Sư đoàn 230 Campuchia, quân Việt Nam chiếm được Kampot. Trung đoàn 9 không đến kịp vì một cây cầu sụp đổ khi xe tăng dẫn đầu trung đoàn đi qua. Khi Trung đoàn 9 và Lữ đoàn xe tăng 203 đến thành phố thì Kampot đã rơi vào tay quân Việt Nam, nên lực lượng này được đưa đi đánh quân cảng Ream. Được sự trợ lực của pháo hải quân bắn từ bến cảng lên, cánh quân này chiếm được quân cảng Ream và hải cảng Kampong Som. Tuy nhiên, vì không chuẩn bị kịp về tiếp liệu, quân Khmer Đỏ đã có thể phản công chiếm lại Kampong Som ngày 14 tháng 1, nhưng quân Việt Nam tái chiếm lại vào ngày hôm sau.[2]

Hai lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 và 126 vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị bộ binh, tăng-thiết giáp,pháo binh và không quân tấn công tiêu diệt nốt những cánh quân còn lại của Khmer Đỏ cho đến khi chiến dịch phản công kết thúc vào ngày 17 tháng 1.

Từ năm 1979 tới nay

Từ năm 1979 đến năm 1983, Lữ đoàn 101 đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Sau gần bốn năm làm nhiệm vụ ở Campuchia, do yêu cầu tinh giản biên chế và tình hình vùng biển Tây Nam bớt căng thẳng, ngày 22 tháng 1 năm 1983, Bộ Tổng Tham mưu đã ra Quyết định số 101/QĐ-QP giải thể Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101. Một số cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 sau giải thể được tăng cường về xây dựng Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126. Như vậy, đến năm 1983, Binh chủng Hải quân đánh bộ còn hai lữ đoàn là 126 và 147.

Năm 1980, Lữ đoàn 126 về đóng quân tại Hải Phòng, trong điều kiện dã ngoại ở nhà dân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn vừa huấn luyện vừa giúp dân Đồ Sơn quai đê lấn biển. Trong hai năm 1983 - 1984, Lữ đoàn đóng quân ở Thanh Hóa, vừa huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, vừa giúp nhân dân sản xuất được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân đánh giá cao. Từ năm 1984 dấn năm 1987, Lữ đoàn cơ động vào Đà Nẵng củng cố doanh trại, sẵn sàng cơ động chi viện trên các hướng theo yêu cầu nhiệm vụ của Bộ và Quân chủng. Từ năm 1987 đến tháng 6 năm 2002, Lữ đoàn đóng quân tại Cam Ranh, xây dựng cơ sở hạ tầng doanh trại, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động chi viện Trường Sa, DK1, quần đảo Tây Nam, bảo vệ căn cứ Cam Ranh, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn đóng quân an toàn, nhiều năm liền Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Là đơn vị cơ động sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng đóng quân trải dài trên suốt chiều dài đất nước, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào, Lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, một lần nữa Lữ đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" ngày 22 tháng 12 năm 2004.

Sau gần 19 năm giải thể, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc trong giai đoạn mới, xét đề nghị của Quân chủng Hải quân, ngày 5 tháng 4 năm 2002, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 49/2002 đổi phiên hiệu đơn vị Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 thành Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 thuộc Quân chủng Hải quân. Chấp hành quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 26 tháng 4 năm 2002, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra Quyết định số 2178/QĐ-TL triển khai đổi phiên hiệu. Ngày 28 tháng 5 năm 2002, Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra quyết định nêu rõ về xác định mốc thời gian tiếp nhận truyền thống, thành tích của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 là "Tiếp nhận truyền thống, thành tích của Lữ đoàn 101 được thành lập ngày 20 tháng 9 năm 1965 cho đến ngày giải thể Lữ đoàn năm 1983 và truyền thống của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 từ ngày thành lập 5-9-1975 trở đi (Trừ thành tích, truyền thống của Tiểu đoàn đặc công Hải quân 861) ". Ngày 10 tháng 7 năm 2002, tại cơ quan Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ, Bộ Tư lệnh Hải quân long trọng tổ chức lễ đổi phiên hiệu Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 thành Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101.[3]

Lữ đoàn 147 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương chiến công Hạng Nhì về thành tích trong huấn luyện, sẵn sàng cơ động; 01 Huân chương chiến công hạng Ba về thành tích tổng kết 10 năm thực hiện công tác dân vận (1989 – 1999); thành tích xuất sắc trong phong trào đền ơn đáp nghĩa 3 năm (2004 – 2006); 09 lần nhận cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và 13 cờ thi đua của Bộ Tư lệnh Hải quân, được Đảng ủy Quân sự Trung ương tặng cờ "Đảng bộ cơ sở trong sạch, vững mạnh tiêu biểu xuất sắc" 5 năm (1996 – 2000)... Hiện nay,đoàn M47 được coi là đơn vị hùng mạnh nhất, "quả đấm thép" của Hải quân Nhân dân Việt Nam.[4][5]

Hiện tại, Binh chủng Hải quân đánh bộ có hai đơn vị là Lữ đoàn 101 và Lữ đoàn 147.

Liên quan

Binh chủng Pháo binh, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Đặc công, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh đoàn La Mã Binh chủng Tăng – Thiết giáp, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh đoàn Lê dương Pháp Binh pháp Tôn Tử Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng hòa Binh chủng Hóa học, Quân đội nhân dân Việt Nam Binh chủng Hải quân Đánh bộ, Quân đội nhân dân Việt Nam

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Binh_chủng_Hải_quân_Đánh_bộ,_Quân_đội_nhân_dân_Việt_Nam http://www.nguyennguyen.com/2008/09/lich-su-lu-oan... http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201703/lu-doa... http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31461302-h... http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.... http://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-ve-bien-dong... https://archive.is/20130421212016/giaoduc.net.vn/X... https://archive.is/20130421215728/www.qdnd.vn/qdnd... https://baohaiquanvietnam.vn/ban-tin/lu-doan-147-h...